Tuesday, January 27, 2015

ĐH Bách khoa Hà Nội giải đáp về tuyển sinh 2015

Mục Thông Tin Tuyển Sinh cho hay, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã giải đáp các thắc mắc của thí sinh về tuyển sinh năm 2015.



Blog Thông Tin Tuyển Sinh xin được cụ thể như sau:

Câu hỏi: Những điểm chính trong tuyển sinh đại học năm 2015 của Trường ĐHBK Hà Nội là gì?

Trả lời:
Phương thức tuyển sinh năm 2015 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội:Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015 tại các cụm thi trên cả nước do các trường đại học chủ trì và kết hợp hình thức sơ loại dựa trên kết quả học tập cấp THPT.

Điều kiện sơ loại: Thí sinh đăng ký xét tuyển phải có tổng điểm trung bình 6 học kỳ THPT của 3 môn xét tuyển đạt từ 20,0 trở lên.Trường sẽ kiểm tra điều kiện này dựa trên học bạ THPT (bản gốc) của thí sinh trúng tuyển khi đến trường làm thủ tục nhập học.

Điều kiện sơ loại không áp dụng cho thí sinh thuộc diện tuyển thẳng và thí sinh thi liên thông từ hệ cao đẳng chính quy của Trường lên đại học.

Tổ hợp 03 môn xét tuyển:Ngoài tổ hợp ba môn thi theo các khối thi truyền thống của Trường là Toán-Lý-Hóa, Toán-Lý-Anh, Toán-Văn-Anh, Trường bổ sung thêm các tổ hợp ba môn khác là Toán-Hóa-Anh, Toán-Hóa-Sinh phù hợp theo từng nhóm ngành xét tuyển.

Môn Toán là môn thi chính (nhân hệ số 2) khi xét tuyển vào phần lớn các nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ. Môn Anh là môn thi chính (nhân hệ số 2) khi xét tuyển vào nhóm ngành Tiếng Anh (TA1, TA2).

Điểm chuẩn theo nhóm ngành:Trường xây dựng điểm chuẩn và xét tuyển theo nhóm ngành. Mỗi nhóm ngành (gồm một hoặc vài ngành đào tạo) có một ký hiệu nhóm (cũng là mã xét tuyển), có một hoặc một vài tổ hợp các môn xét tuyển và có điểm chuẩn trúng tuyển theo từng tổ hợp môn xét tuyển.
Sinh viên trúng tuyển vào một nhóm ngành sẽ được phân ngành sau năm thứ nhất.

Đăng ký xét tuyển:Thí sinh được đăng ký nhiềunguyện vọng nhóm ngànhxếp theo thứ tự ưu tiên trong Phiếu đăng ký xét tuyển (Phiếu ĐKXT). Sau khi nộp phiếu ĐKXT, mỗi thí sinh sẽ được cấp một tài khoản trên trang tuyển sinh của Trường để có thể tự điều chỉnh nguyện vọng nhóm ngành và theo dõi kết quả quá trình xét tuyển.

Chỉ tiêu tuyển sinh: Trường dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2015 (khóa K60) là 6.000, trong đó 400 sinh viên thuộc các chương trình đào tạo quốc tế.

Thông tin chi tiết về các nhóm ngành, ký hiệu nhóm ngành (cũng là mã xét tuyển) và chỉ tiêu dự kiến cho từng nhóm ngành có trong mục “Phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2015”.

Câu hỏi: Làm thế nào để đăng ký tuyển sinh vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội?

Trả lời:
Theo phương thức tuyển sinh đại học năm 2015 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào đại học chính quy của Trường cần thực hiện các bước theo trình tự sau:

1/ Tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì.
Ngoài các môn thi bắt buộc, thí sinh đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với ‘tổ hợp môn xét tuyển’ theo quy định của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

2/ Đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2015, thí sinh đủ điều kiện sơ loại (có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc 03 môn xét tuyển, tính cho 06 học kỳ THPT, từ 20,0 trở lên) nộp hồ sơ ĐKXT về Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Câu hỏi: Em là thí sinh tự do. Em muốn thi vào Đại học Bách khoa Hà Nội thì em phải làm những gì?

Trả lời:
- Trước tiên, em phải đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì, với một số môn thi tương ứng với ‘tổ hợp môn xét tuyển’ vào nhóm ngành nào đó của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, vì căn cứ xét tuyển vào Trường là kết quả các môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015.

Ví dụ, nếu em muốn đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành KT12 (gồm các ngành: Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật hàng không, Kỹ thuật tàu thủy) với tổ hợp môn xét tuyển là Toán-Lý-Hóa hoặc Toán-Lý-Anh, thì em phải đăng ký dự thi các môn Toán, Lý, Hóa hoặc Toán, Lý, Anh của Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015.

Hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2015 của thí sinh tự do nộp tại địa điểm do Sở GD&ĐT các tỉnh quy định.

- Sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 và nếu đạt điều kiện sơ loại, em nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển tại Trường ĐHBK Hà Nội theo quy định của Trường (sẽ có thông báo sau).

Câu hỏi: Em muốn thi liên thông lên đại học trường mình năm nay. Vậy em phải làm như thế nào?

Trả lời:
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội diện liên thông từ cao đẳng chính quy của Trường (không nhận thí sinh tốt nghiệp cao đẳng các trường khác) lên đại học cần phải thực hiện các bước:

- Tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 với các môn thi tương ứng với các môn xét tuyển vào các nhóm ngành của Trường ĐHBK Hà Nội.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa điểm do Sở GD&ĐT các tỉnh quy định cho thí sinh tự do.

- Nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sau khi nhận được kết quả thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trường sẽ thông báo quy định cụ thể về việc nhân hồ sơ ĐKXT sau.

Câu hỏi: Cho em hỏi Trường có tuyển sinh hệ liên thông không? Làm thế nào để em dự thi? Chỉ tiêu các ngành như thế nào? Điểm chuẩn thi liên thông có bằng điểm chuẩn thi đại học bình thường không?

Trả lời:
Trường vẫn tuyển sinh liên thông từ cao đẳng lên đại học chỉ với thí sinh đã tốt nghiệp cao đẳng của ĐH BKHN. Theo phương thức tuyển sinh năm nay, em phải đăng ký dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 với các môn thi tương ứng với các môn xét tuyển vào các nhóm ngành của Trường ĐHBK Hà Nội. Sau khi nhận được kết quả thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT, em làm hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường.

Tổng chỉ tiêu Nhà trường dự kiến cho hệ liên thông là 100. Nhà trường sẽ căn cứ vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển liên thông và kết quả thi thực tế để xác định điểm chuẩn. Thường thì điểm chuẩn hệ liên thông thấp hơn điểm chuẩn đại học đại trà.

Câu hỏi: Trường có tuyển sinh hệ cao đẳng không?

Trả lời: Trường không còn tuyển sinh hệ cao đẳng từ năm 2012.

Câu hỏi: Hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội gồm những giấy tờ gì? Em phải nộp vào thời gian nào? Ở đâu?

Trả lời:
Hồ sơ ĐKXT vào Trường gồm các giấy tờ chính là:

-          Phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển.

-          Giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2015 có đóng dấu đỏ của trường đại học chủ trì và mã vạch nhận dạng.

-          Các giấy tờ minh chứng là diện được hưởng chế độ ưu tiên.

ĐHBK Hà Nội sẽ bắt đầu tiếp nhận hồ sơ ĐKXT tại Trường sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thời điểm chính xác sẽ do Bộ GD&ĐT quy định.

Trường sẽ có thông báo chi tiết về việc nộp hồ sơ ĐKXT sau.

Câu hỏi: Trường có chính sách ưu tiên trong xét tuyển không?

Trả lời:
Trường ĐHBK Hà Nội thực hiện chính sách ưu tiên trong xét tuyển theo quy chế chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm ưu tiên theo đối tượng (đối tượng chính sách, thí sinh đạt giải kỳ thi HSG quốc gia, tham gia tập huấn thi Olympic quốc tế, học sinh trong đội tuyển tham dự hội thi sáng tạo khoa học kĩ thuật quốc tế) và ưu tiên theo khu vực.

Câu hỏi: Năm nay, Trường có tuyển sinh các chương trình kỹ sư tài năng, kỹ sư chất lượng cao không?

Trả lời:
Năm nay, Trường ĐHBK Hà Nội tiếp tục mở rộng các chương trình đào tạo chất lượng cao,bao gồm cả các chương trình Kỹ sư tài năng, Kỹ sư chất lượng cao, Chương trình tiên tiến, Chương trình tiên tiến Việt-Nhật và Chương trình Cử nhân Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế.

Câu hỏi: Trường sẽ phân ngành như thế nào?

Trả lời:
Sau năm học thứ nhất, Trường sẽ phân ngành học (trong cùng nhóm ngành) dựa trên nguyện vọng và kết quả học tập của sinh viên trong hai học kỳ đầu. Sinh viên sẽ có thêm thời gian tìm hiểu thông tin ngành nghề, đồng thời có cơ hội bình đẳng để phấn đấu học tập và lựa chọn ngành phù hợp nhất với nguyện vọng và khả năng của bản thân. Riêng các nhóm KT14, KT41, KT42, KT51, KT52, KQ1-KQ3,trường sẽ xếp ngành hoàn toàn theo nguyện vọng của sinh viên.

Câu hỏi: Trong quá trình học em có được chuyển nhóm ngành hoặc chuyển ngành học không?

Trả lời:
Thí sinh trúng tuyển vào nhóm ngành nào sẽ không được chuyển sang nhóm ngành học khác, trừ trường hợp nhóm ngành trúng tuyển có điểm chuẩn cao hơn và nhóm ngành kia còn chỉ tiêu thì trong quá trình học năm thứ nhất nhà trường có thể xem xét.

Tương tự như vậy, sau năm thứ nhất khi sinh viên đã được phân ngành sẽ không được chuyển sang ngành học khác, trừ trường hợp ngành được xếp vào học có điểm chuẩn cao hơn và ngành xin sang học vẫn còn chỉ tiêu thì trong quá trình học năm thứ hai nhà trường có thể xem xét.

Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên theo học chương trình song ngành hoặc chương trình song bằng, như vậy sinh viên vẫn có thể học ngành thứ hai theo nguyện vọng mà không phải chuyển ngành.

Câu hỏi: Sinh viên học xong đại học thì được nhận bằng Cử nhân hay bằng Kỹ sư? Lấy bằng kỹ sư có phải điều kiện gì không?

Trả lời:
- Đối với ngành Hóa học, nhóm ngành kinh tế-quản lý, sư phạm kỹ thuật và ngôn ngữ Anh, bằng tốt nghiệp đại học là bằng Cử nhân.

- Đối với các ngành kỹ thuật, cuối năm thứ 3 hoặc đầu năm thứ 4 sinh viên có thể tự do lựa chọn theo học chương trình nhận bằng Cử nhân kỹ thuật hoặc chương trình nhận bằng Kỹ sư.

- Đối với chương trình Cử nhân công nghệ, sinh viên học xong sẽ nhận bằng Cử nhân công nghệ.Người tốt nghiệp cử nhân công nghệ cần thời gian học tiếp tối thiểu 1,5 năm để được cấp bằng kỹ sư cùng ngành, bao gồm thời gian học chương trình chuyển đổi để đạt tương đương với chương trình cử nhân kỹ thuật và thời gian 1 năm cho chương trình chuyển tiếp cử nhân kỹ thuật-kỹ sư.

Câu hỏi: Em biết trường ĐHBK Hà Nội đào tạo theo tín chỉ, vậy thời gian ngắn nhất để em có thể tốt nghiệp ra trường được là bao nhiêu?

Trả lời:
Theo quy chế, sinh viên có thể học vượt để rút ngắn thời gian học 3 học kỳ, như vậy về lý thuyết nếu em theo chương trình cử nhân thì sau 2,5 năm có thể tốt nghiệp và nếu theo chương trình kỹ sư thì sau 3,5 năm có thể tốt nghiệp. Tuy nhiên thực tế chương trình đào tạo của trường đã được thiết kế rất khoa học và hợp lý, nên nếu em giỏi và tranh thủ học thêm vào những học kỳ hè thì nhanh nhất cũng chỉ có thể tốt nghiệp sớm 1 năm so với thời gian theo kế hoạch.

Câu hỏi: Chương trình đào tạo của Trường yêu cầu trình độ tiếng Anh như thế nào khi tốt nghiệp?

Trả lời:
Tiếng Anh là một yêu cầu hết sức quan trọng đối với bất cứ vị trí công việc nào của người tốt nghiệp bên cạnh năng lực chuyên môn. Sinh viên ĐHBK Hà Nội phải đạt trình độ tiếng Anh tối thiểu tương đương 450 điểm theo dạng thức TOEIC trước khi được làm khóa luận hay đồ án tốt nghiệp. Để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên, Trường tổ chức các lớp tiếng Anh tương ứng với các trình độ khác nhau.

Câu hỏi: Cho em biết về học phí của ĐH Bách khoa Hà Nội?

Trả lời:
Học phí được tính trên tổng số tín chỉ của các môn học sinh viên đăng ký học trong 1 học kỳ. Mức học phí chương trình đại trà năm học này là 130.000 đ/1 tín chỉ học phí. Như vậy, sinh viên chương trình đại trà đóng học phí khoảng 3.500.000đ/1 học kỳ.

Câu hỏi: Sinh viên tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội có dễ xin việc không?

Trả lời:
Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những trường có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay vào loại cao. Các em tham khảo Kết quả điều tra sinh viên tốt nghiệp ĐHBKHN sau 1 năm ra trường trong vài năm gần đây: 10% học tiếp, 68% có việc chính thức, 22% chưa tìm được việc chính thức; Với số đã đi làm: 62% làm đúng chuyển ngành, 30% làm đúng hoặc gần ngành rộng, 8% làm trái ngành.

Câu hỏi: Sinh viên những ngành nào của ĐHBK Hà Nội ra trường có cơ hội việc làm lớn nhất, có mức thu nhập cao nhất?

Trả lời:
Sinh viên tốt nghiệp ĐHBK Hà Nội không bao giờ sợ ít cơ hội việc làm. Cơ hội việc làm không phụ thuộc nhiều vào tính ‘hot’ của ngành học, thậm chí một số ngành được cho là ít ‘hot’ nhất, ít thí sinh vào học thì cơ hội việc làm lại lớn nhất, sinh viên khi còn đang học ở năm thứ ba, thứ tư thì các tập đoàn, các doanh nghiệp đã tới cấp học bổng để thu hút tuyển dụng ngay khi ra trường. Nhiều doanh nghiệp ngành dệt-may hay ngành thép hiện nay không thể tuyển được sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy của Trường ĐHBK Hà Nội. Mức thu nhập cũng ít phụ thuộc vào ngành học, mà phụ thuộc chính vào năng lực của sinh viên tốt nghiệp.

Câu hỏi: Ngành Ngôn ngữ Anh của ĐHBK Hà Nội khác gì so với các trường khác?

Trả lời:
Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh của các trường đều có những nội dung cốt lõi như nhau, riêng của Trường ĐHBK Hà Nội có bổ sung kiến thức ngôn ngữ Anh trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ, giúp cử nhân tốt nghiệp có năng lực tiếp cận nhanh hơn với công việc ở môi trường quốc tế tại các tập đoàn, tổng công ty, công ty hoạt động sản xuất và kinh doanh các sản phẩm khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Nguồn tintuc.vn

No comments:

Post a Comment